Hai điểm ‘nghẽn” này của ngành công nghiệp ôtô được Bộ Công Thương nhận diện trong báo cáo vừa công bố.
Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường ôtô Việt Nam bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến các công ty sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất linh kiện phụ tùng gặp khó trong đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.
Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ôtô, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ôtô của nền kinh tế chưa lớn.
Điểm nghẽn thứ 2 được Bộ Công Thương chỉ ra là giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, và chi phí sản xuất ôtô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực 10-20%.
Nếu trước đây xe nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế 30% thì xe lắp ráp, sản xuất trong nước rẻ hơn. Nhưng khi thuế này về 0% theo cam kết Hiệp định thương mại tự do, ôtô nhập khẩu lại rẻ hơn xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Đó cũng là lý do lượng xe nhập khẩu gia tăng thời gian qua.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 5 xe nhập khẩu vào Việt Nam tăng hơn 166%, trên 5.000 chiếc loại dưới 9 chỗ ngồi. Giá nhập bình quân (chưa gồm thuế, phí) khoảng 300 triệu đồng một chiếc. Phần lớn trong số này là xe từ Thái Lan, Indonesia…
Không riêng xe từ ASEAN, ôtô nhập khẩu từ châu Âu tới đây cũng cạnh tranh về giá với xe trong nước khi tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Từ tháng 8 năm ngoái, EVFTA có hiêu lực và từ 1/1 năm nay (theo hướng dẫn của Nghị định 111), thuế nhập khẩu ôtô từ EU chính thức giảm thêm 7% (so với mức 70% trước đây). Lộ trình cam kết, Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu ôtô từ EU trong 10 năm, mỗi năm trung bình 7% và sẽ về 0% sau 10 năm.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra lý do khiến giá xe trong nước cao hơn nhập khẩu, do dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành. Điều này khiến chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ôtô đi trước rất lâu.
Bên cạnh đó, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên phải chịu thêm loạt chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… cộng dồn đẩy giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước lên cao.
Khắc phục những điểm nghẽn này, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất, triển khai một số giải pháp.
Về tạo dựng thị trường, theo cơ quan này cần quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ôtô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM.
Cùng với đó, có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ôtô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, có thể cân nhắc chính sách cho vay ưu đãi mua ôtô trong nước; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ôtô trên toàn chuỗi giá trị để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hoá sản xuất và tiêu dùng, phát triển lành mạnh thị trường ôtô trong nước.
Bộ này cũng đề nghị tiếp tục duy trì ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô, nguyên vật liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô… nhằm giảm giá thành xe trong nước. Song song đó khuyến khích doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, tăng sản lượng sản xuất… thông qua ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô.
Nguồn: https://vnexpress.net/hai-diem-nghen-cua-cong-nghiep-oto-viet-nam-4302595.html