Những yêu cầu của thị trường EU đối với sản phẩm linh kiện kim loại nhập khẩu

Tại thị trường EU, yêu cầu của thị trường và khách hàng đối với sản phẩm linh kiện, phụ tùng chia thành 03 cấp, trong đó có các yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý và các yêu cầu do khách hàng đề nghị hoặc khuyến khích nhà cung cấp áp dụng. Bao gồm: (1) Yêu cầu cơ bản: bao gồm những yêu cầu bắt buộc bạn phải đáp ứng để gia nhập được vào thị trường. Đây cũng chính là những yêu cầu về mặt pháp lý và những yêu cầu cụ thể của khách hàng đối với nhà cung cấp. (2) Yêu cầu chung: đây là những yêu cầu mà nhà cung cấp cần phải áp dụng nhằm nâng cao năng lực, theo kịp sự phát triển của thị trường. Đây là những yêu cầu mà khách hàng khuyến khích và đánh giá cao nếu nhà cung cấp thực hiện. (3) Yêu cầu ở mức cao: đây là các yêu cầu mà khách hàng khuyến khích nhà cung cấp thực hiện, liên quan đến các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững.

Theo Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI – Centre for the Promotion of Imports from developing countries), thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, yêu cầu của thị trường EU đối với sản phẩm linh kiện kim loại bao gồm:

Yêu cầu cơ bản đối với sản phẩm linh kiện kim loại là độ an toàn của sản phẩm đối với người sử dụng và hàm lượng hóa chất:

–       Yêu cầu về độ an toàn của sản phẩm: Tại EU, các tiêu chuẩn về độ an toàn của sản phẩm được áp dụng cho tất cả các sản phẩm tiêu dùng. Không có yêu cầu cụ thể về mức độ an toàn cho các linh kiện kim loại, tuy nhiên khi trở thành một bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh, quy định an toàn của sản phẩm cuối cùng sẽ được áp dụng đối với linh kiện kim loại phụ thuộc vào việc sử dụng của nó. Như vậy yêu cầu về an toàn của linh kiện sẽ phụ thuộc và hài hòa với yêu cầu an toàn của sản phẩm cuối cùng. Nghĩa vụ tuân thủ trước hết sẽ thuộc về các công ty sản xuất sản phẩm cuối cùng và cung cấp ra thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên các công ty này sẽ yêu cầu các nhà cung cấp thực hiện và đảm bảo các tiêu chuẩn này. Đối với các nhà cung cấp, các yêu cầu về an toàn được thể hiện bằng báo cáo thử nghiệm hoặc bảng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngoài yêu cầu về độ an toàn của sản phẩm, theo tiêu chuẩn của EU, một số lượng lớn các sản phẩm công nghiệp phải được dán nhãn – CE Marking. Điều này thể hiện sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, đảm bảo sức khỏe và các yêu cầu về môi trường. Đối với linh kiện kim loại là một bộ phận của sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE Marking, khách hàng sẽ yêu cầu nhà cung cấp đảm bảo các thông số kỹ thuật nhằm đảm bảo độ an toàn của sản phẩm hoàn chỉnh. Kể từ tháng 7/2013, các công ty sản xuất cũng phải cung cấp một bản kê khai các vật liệu mà họ sử dụng (DoP). Các sản phẩm – linh kiện kim loại tiếp xúc với thực phẩm (ví dụ như dao, kéo, chảo, hộp đựng) sẽ phải đảm bảo các quy định kiểm soát sức khỏe. Khi nhập khẩu, EU sẽ yêu cầu các tài liệu phân tích về chất độc hại và nguy cơ chuyển hóa từ sản phẩm sang thức ăn.

–  Hóa chất: Để bảo vệ môi trường, EU kiểm soát và hạn chế việc sử dụng các hóa chất độc hại theo quy định REACH. Đối với các sản phẩm kim loại, REACH quy định sản phẩm mạ cadmium không nhiều hơn 0,1% cadmium theo trọng lượng. REACH cũng hạn chế việc sử dụng hóa chất trong chế biến, sản xuất sản phẩm kim loại như việc sử dụng hexachloroethane (trong chế biến kim loại màu), ankan, nonylphenol và nonylphenol ethoxylate. Khi sản xuất tại các nước ngoài EU, yêu cầu này không trực tiếp áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất tuy nhiên người mua EU sẽ yêu cầu nhà sản xuất không áp dụng một số hóa chất cụ thể. Nếu muốn kinh doanh, xuất khẩu sang thị trường EU, doanh nghiệp cần loại trừ việc sử dụng hóa chất trên và sử dụng các loại hóa chất thân thiện môi trường khác, đặc biệt là hóa chất sinh học dễ phân hủy như ethoxylate.

Yêu cầu mức chung

Khi xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU, việc doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống kiểm soát và quản lý chất lượng, quản lý môi trường là rất quan trọng. Trong lĩnh vực CNHT, khách hàng Châu Âu hầu hết yêu cầu nhà cung cấp phải áp dụng và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Áp dụng công cụ Six Sigma; LEAN vào sản xuất cũng là yêu cầu cụ thể của khách hàng EU. Doanh nghiệp cần áp dụng các công cụ quản lý chất lượng để duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường EU , với mục đích: (1) Nâng cao chất lượng và kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách giảm độ lệch chuẩn và nâng cao quá trình dự báo; (2) Giảm lãng phí và tập trung nguồn lực vào mục tiêu tạo ra giá trị cao nhất cho người tiêu dùng. Bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng là các vấn đề tiềm năng mà khách hàng châu Âu thường chú ý đến. Khách hàng Châu Âu thường ưa thích các phương pháp sản xuất xanh, thân thiện môi trường, tích kiệm năng lượng và tránh sử dụng bất cứ phương pháp có thể gây ô nhiễm môi trường. Mức độ quan tâm và tiêu chí đánh giá của khách hàng về hoạt động môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng rất khách nhau. Hầu hết các công ty xem xét và coi đây là lợi thế của nhà cung cấp. Yêu cầu về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 đang ngày càng phổ biến.

Bên cạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, khách hàng Châu Âu thường yêu cầu nhà cung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo sản xuất các sản phẩm có chất lượng và độ an toàn ổn định.  Những tiêu chuẩn này thường hài hòa và bổ sung cho nhau. Đối với thị trường EU, các tiêu chuẩn sau đây thường được sử dụng: (1) Tiêu chuẩn ISO: được công nhận trên toàn thế giới cho các loại sản phẩm; (2) Tiêu chuẩn EN: Phát triển bởi Ủy ban tiêu chuẩn hóa của Châu ÂU (CEN) và được sử dụng trong các nước EEA. Tất cả các tiêu chuẩn EN đều kết hợp với, và trong hầu hết các trường hợp, có nội dung giống các tiêu chuẩn của ISO và IEC; (3) Tiêu chuẩn quốc gia: được phát triển bởi các cơ quan thành viên tại mỗi quốc gia thuộc EU. Các tiêu chuẩn này chỉ có giá trị trong các quốc gia thành viên cụ thể; (4) Tiêu chuẩn nước ngoài: có thể được yêu cầu bởi công ty hoạt động tại EU. Ví dụ như các tiêu chuẩn của Mỹ do các công ty đa quốc gia yêu cầu và buộc nhà cung cấp tuân thủ.

Yêu cầu ở mức cao

Trong lĩnh vực linh kiện kim loại, các yêu cầu ở mức cao tập trung vào việc giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững, đảm bảo xã hội – CSR. CSR (Corporate Social Responsibility – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. CSR được coi là một yếu tố quan trọng bên cạnh những yếu tố truyền thống khác như chi phí, chất lượng và giao hàng trong kinh doanh. Hiện nay CSR vẫn là yêu cầu ở mức cao ở thị trường EU, nhưng bên cạnh các yêu cầu về môi trường, năng lượng, CSR đang ngày càng được phổ biến tại thị trường EU. CSR cho thấy mức độ phát triển và tính bền vững trong phát triển của mỗi công ty. Người mua EU sẽ tránh được các rủi ro không đáng có khi mua hàng từ các nhà cung cấp mà khu vực CSR có vấn đề.

Theo https://vasi.org.vn/

Saigon Autotech – triển lãm ô tôtriển lãm xe máy


Category: Tin tức

Tags: ,