Các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường EU đối với sản phẩm linh kiện điện tử nhập khẩu

Tương tự như linh kiện kim loại, đối với linh kiện điện – điện tử, yêu cầu về sự an toàn của sản phẩm và hàm lượng hóa chất là yêu cầu bắt buộc. Nhưng quy định này được áp dụng cho sản phẩm cuối cùng và nghĩa vụ tuân thủ trước hết là trách nhiệm của các công ty cung cấp thành phẩm ra thị trường nhưng các công ty này sẽ yêu cầu nhà cung cấp thực hiện theo các yêu cầu cụ thể. Ngoài ra đối với sản phẩm điện – điện tử việc dán nhãn CE Marking, thiết kế sinh thái (Eco Design), nhãn năng lượng và một số yêu cầu kỹ thuật cho sản phẩm cụ thể là những yêu cầu cơ bản của khách hàng EU.

CE Marking. Các sản phẩm điện – điện tử sử dụng tại thị trường EU đều phải dán nhãn CE trước khi đưa ra thị trường nhằm đảm bảo rằng nó đáp ứng yêu của EU về an toàn, sức khỏe và mô trường. Đối với các sản phẩm linh kiện điện tử, việc dán nhãn CE Marking là không bắt buộc về mặt pháp lý tuy nhiên người mua (các công ty sản xuất lắp ráp) sẽ yêu cầu nhà cung cấp linh kiện phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhất định để chắc chắn rằng sản phẩm cuối cùng sẽ tuân thủ và đạt yêu cầu để dán nhãn CE Marking. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cũng có thể tự nguyện đăng ký dán nhãn CE như một phương pháp khẳng định chất lượng sản phẩm của mình.

Điều quan trọng nhất để đảm bảo chỉ thị CE Marking cho thiết bị điện tử là chỉ dẫn điện áp thấp (Low Voltage Directive – LVD); tương thích điện tử (Electromagnetic Compatibility – EMC); thiết kế sinh thái (hiệu quả năng lượng) và RoHS. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng của sản phẩm (ví dụ như thiết bị y tế) các chỉ thị khác cũng có thể được áp dụng. Ngoài CE, các yêu cầu kỹ thuật cho các sản phẩm cụ thể cũng được áp dụng cho các thiết bị điện – điện tử như máy bay, xe có động cơ. Những yêu cầu kỹ thuật là yêu cầu thiết yếu liên quan đến tính toàn vẹn của sản phẩm (nhu cấu trúc vật liệu, động cơ đẩy, hệ thống thiết bị), hoạt động của sản phẩm và cơ cấu tổ chức.

Thiết kế sinh thái/EcoDesign. Vào tháng 7/2005, EU ban hành Chỉ thị về sản phẩm sử dụng năng lượng (Energy using Product – EuP). Chỉ thị này nhằm giảm việc tiêu thụ năng lượng của các thiết bị điện và điện tử thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Mặt khác, nó cũng nhắm tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên cũng như giảm thiểu phát thải ra môi trường của các thiết bị điện và điện tử thông qua hoạt động thiết kế sinh thái (Eco Design). Đây là hoạt động liên quan đến việc sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng của sản phẩm. Nó cũng bao gồm các tác động của sản phẩm đến môi trường. Thiết kế sinh thái là sự phát triển tất yếu, tìm kiếm các giải pháp sản xuất sản phẩm sạch thân thiện môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng. Eco Design được xem là giải pháp tối ưu đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững cho tương lai. Trong một sản phẩm, Eco Design thể hiện ở những khía cạnh như hiệu quả (giảm năng lượng tiêu thụ, hao phí nhiên liệu, tăng tuổi thọ); dễ tái chế; giảm kích thước và đơn giản hóa thiết kế; dễ tháo rời.

Nhãn năng lượng. Việc gắn nhãn năng lượng tại Châu Âu được thiết lập từ năm 1992, nhằm khuyến khích kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ quan tâm tới môi trường. Sản phẩm sử dụng năng lượng như thiết bị gia đình hoặc nguồn cung cấp điện phải có nhãn năng lượng cụ thể khi đưa vào thị trường EU, trên đó thể hiện thông tin về năng lượng tiêu thụ của sản phẩm. Nhãn năng lượng là một tập hợp các xếp hạng việc sử dụng hiệu quả năng lượng từ A tới G, trong đó hạng A là hiệu quả nhất và hạng G là kém hiệu quả nhất.  Nhằm cập nhật những tiến bộ trong hiệu quả năng lượng, Liên minh Châu Âu đã ban hành thêm các mức hiệu quả năng lượng mới trên nhãn năng lượng là A+, A++ và A+++. Nhãn đưa ra từng mức đánh giá riêng về năng lượng cho từng loại sản phẩm như tủ lạnh, máy sấy, máy giặt, máy rửa bát… Đối với sản phẩm linh kiện, nhà sản xuất lắp ráp sản phẩm cuối cùng là người có trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm được dán nhãn đúng. Tuy nhiên doanh nghiệp cần làm quen với các yêu cầu kỹ thuật hoặc cung cấp các tài liệu kỹ thuật để xác định thông tin có trong nhãn năng lượng cho người mua.

Hóa chất. Hàm lượng hóa chất trong sản phẩm công nghiệp được EU hạn chế và quy định rất nghiêm ngặt về. Đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp, quy định về hàm lượng hóa chất REACH được áp dụng. REACH cũng đưa ra các quy định về hàm lượng hóa chất trong sản phẩm và hạn chế việc sử dụng các hóa chất trong quá trình sản xuất. Mặc dù các quy định này không áp dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất ngoài EU tuy nhiên khách hàng EU có thể yêu cầu doanh nghiệp không sử dụng một số hóa chất. Vì vậy muốn phát triển sang thị trường EU, doanh nghiệp cần sử dụng các loại hóa chất thân thiện với môi trường.

Đối với sản phẩm điện – điện tử, EU áp dụng quy định RoHS nhằm khống chế hàm lượng hóa chất độc hại. Tiêu chuẩn này cấm 6 loại hóa chất nguy hiểm với môi trường và sức khỏe con người gồm: Cadmium (Cd); Thuỷ ngân (Hg); Chì (Pb); Hexavalent Chromium hoá trị 6 (Cr); Hợp chất của Brom: Polybrominated Biphenyls (PBBs); Hợp chất của Brom: Polybrominated Diphenyl Ethers (PBDEs). Trong năm 2013, Chỉ thị 2011/65/EU, một phiên bản mới của RoHS còn được gọi là RoHS2 có hiệu lực và các yêu cầu cao hơn đang dần được áp dụng. EU cũng đã thiết lập quy định về Chất thải thiết bị điện và điện tử (WEEE). Nó buộc các nhà sản xuất EU thiết lập và tham gia vào chương trình tái chế. Nó có thể ảnh hưởng đến nhà cung cấp để tạo điều kiện tái sử dụng và tái chế EEE

Về các yêu cầu mức chung của khách hàng EU, tương tự như sản xuất linh kiện kim loại, đối với sản xuất linh kiện điện tử, người mua mong muốn nhà cung cấp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm ổn định. Vì vậy việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; UL (Tiêu chuẩn an toàn toàn cầu) và VDE (tiêu chuẩn của Châu Âu với một số biến thể) thường được khách hàng yêu cầu và khuyến khích các nhà cung cấp áp dụng.

Yêu cầu ở mức cao của khách hàng EU đối với linh kiện điện – điện tử là nhãn Eco Label. Đây là một chính sách về chất lượng sản phẩm được cộng đồng Châu Âu xây dựng vào năm 1992. Chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dễ dàng xác định và chọn mua các sản phẩm đáng tin cậy. Biểu tượng của Eco-Label là nhánh hoa màu xanh tượng trưng cho cây xanh. Nhờ Eco-Label, người sử dụng có thể yên tâm rằng các sản phẩm họ sử dụng là thực sự “xanh”, tức là các sản phẩm hoàn toàn thân thiện với môi trường. Các sản phẩm này là kết hợp hoàn hảo giữa chất lượng sản phẩm với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sự sống và môi trường. Chứng nhận Eco-Label chỉ được cấp cho các sản phẩm có sự tác động tối thiểu đối với môi trường xung quanh. Do đó, các tiêu chuẩn về sinh thái đã được định nghĩa rất cụ thể để cấp chứng nhận cho khoảng 30% các sản phẩm hiện có trên thị trường. Điều này có nghĩa là chỉ có một số ít sản phẩm trên thị trường là xứng đáng được cấp chứng nhận này mà thôi. Các nhà sản xuất không bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn này. Nó tùy thuộc vào các nhà sản xuất có muốn áp dụng Eco-Label hay không. Nếu các sản phẩm của họ có thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn này thì họ có thể trưng bày và giới thiệu chúng cho khách hàng của mình.

Theo vasi.org.vn


Category: Tin tức

Tags: , ,